Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Là(m) phụ nữ Việt Nam một hành trình cá nhân


Lê Thị Kim Tuyến

Chứng từ của một phụ nữ Việt Nam

Một người Việt Nam, sinh trưởng ở Pháp. Một phụ nữ. Một nhà khoa học. Sau khi tham gia phong trào chống Mĩ cứu nước và tốt nghiệp, Lê Thị Kim Tuyến quyết định "về" nước. Sắp sửa nghỉ hưu, chị nhìn lại con đường đã qua.


Ra đời giữa hai nền văn hoá

Cuộc đời vạch ra con đường của nó, dựa trên nền tảng nguồn gốc xã hội trong đó có những phương tiện kinh tế được đầu tư vào việc giáo dục. Còn dựa trên nguồn gốc dân tộc, tức là phương thức văn hoá thừa kế từ ông bà cha mẹ. Sau nữa, nó còn thể hiện một cách không bình đẳng, tuỳ theo giới tính, nữ hay nam. Sự bất bình đẳng ấy sâu nông nặng nhẹ cũng tuỳ theo nguồn gốc xã hội và sắc tộc. Đó là điều hiển nhiên và phổ quát, ví dụ như trong ngữ pháp tiếng Pháp, giống đực áp chế giống cái (1). Nói chung, trong xã hội loài người, nam giới nắm quyền quyết định.
Nhận định ấy, tôi rút ra từ trải nghiệm cá nhân, một trải nghiệm 'riêng', nhưng cũng khá 'chung'. 'Riêng' hay độc đáo, vì tôi được đào tạo trong cả hai nền văn hoá phương tây và phương đông. Phần 'chung' xuất phát từ sự kiện tôi là phụ nữ, với những bất mãn của thân phận phụ nữ. Trong bài này, tôi muốn kể lại lộ trình vòng vèo, uốn khúc, đi giữa hai nền văn hoá, đã dẫn tôi tới kết luận như trên. Cha mẹ tôi đều là người Việt, sang Pháp học đại học từ năm 1948. Chiến tranh đã chặn đóng đường về. Tôi ra đời tại Pháp năm 1953, trong một gia đình trí thức. Đó là những thuận lợi khởi đầu cho một cuộc đời tiện nghi, nhưng...

Tôi ra đời sau anh trai, lẽ ra bố mẹ tôi phải vui mừng khi có con gái, và đúng là bố tôi rất mừng. Song, sau này tôi mới hiểu ra rằng mẹ tôi ước muốn đứa con thứ nhì cũng là con trai. Thành thử thân phận con gái của tôi khởi đầu bằng nỗi thất vọng của người mẹ. Sự thất vọng ấy, đầu tiên tôi hứng chịu, sau đó tôi "tích hợp" và tán đồng suốt những năm thơ ấu : một cách rất tự nhiên, tôi ghét bất cứ cái gì là "con gái", là "đàn bà", tôi cố gắng rèn luyện tinh thần "nam nhi", thi đua với bọn con trai, cắn răng trải qua những thử thách, không bao giờ khóc "như bọn con gái", không bao giờ "nhõng nhẽo" (chỉ có bọn con gái "nó mới nhõng nhẽo"). Nhưng nếu tuổi niên thiếu chưa trưởng thành có thể thích nghi với sự bóp méo đó, thì với năm tháng và tuổi dậy thì, những câu hỏi vấn vương đặt ra. Học giỏi, học chăm, bề ngoài không biết sợ là gì, song bên trong thật ra tôi không thoải mái. Nhưng cũng phải nói là tôi không nhớ có một vụ việc nào có tính chất kì thị chủng tộc hay giới tính xảy ra ở trường học hay xóm giềng. Khía cạnh nữ tính trong tôi đã bị khoá chặt từ trong trứng nước, nhưng điều đó không ngăn cấm những suy nghĩ về điều bí ẩn nguyên khởi : tại sao mẹ tôi lại không ưa phái nữ ? Gia đình mẹ tôi thuộc thành phần thượng lưu Hà Nội, con gái được dạy dỗ để trở thành mệnh phụ, ăn mặc chải chuốt, quán xuyến việc nhà, bếp núc thành thạo. Mẹ tôi thì khác : bà là một trong những phụ nữ rất hiếm thời đó đã học cao, đi xa, đầy bằng cấp đại học về dược học, văn học, ngoại ngữ, uyên bác như một "nho sĩ" hiện đại. Làm được như vậy là bà đã phải đấu tranh để được hoàn toàn độc lập, không bị lệ thuộc vào gia đình. Còn cha tôi gốc ở một làng quê hẻo lánh, từ đường cái vào làng phải đi theo bờ đê và những con đường mòn. Suốt đời ông tự học để không ngừng mở rộng kiến thức, cho chính mình và cho chung quanh. Quan hệ của tôi với cha mẹ dường như đã được quy định theo một sự phân công có sẵn từ trước : mẹ tôi chăm lo phần vật chất của cuộc sống hàng ngày và dạy tôi về tập tục, văn hoá Việt Nam truyền thống, còn cha tôi chăm lo việc học hành ở nhà trường. Về mặt tình cảm, mẹ tôi phải bươn chải với cuộc sống của người phụ nữ phải lội ngược dòng, quan hệ của bà với tôi chỉ giới hạn trong việc đưa tôi vào khuôn phép gia giáo, còn giữa cha tôi và tôi, có một sự thân thiết gần như đồng loã. Cha mẹ tôi đều bận công ăn việc làm nên chăm lo tôi hàng ngày là công việc của bà vú người Pháp. Do đó mà ngay từ nhỏ, tôi thấm nhuần nếp sống văn hoá Pháp. Tiếng Pháp là ngôn ngữ đầu tiên của tôi. Quan hệ của tôi với mọi người khoác tấm áo văn hoá Việt Nam, sự khác biệt rõ ràng đã dẫn tới lẻ loi, tôi có ít bạn thân. Thời ấy, tôi để ý thấy có nhiều bạn tỏ ra đã thoát khỏi cái "kiếp nữ nhi", điều này thể hiện rất rõ trong lời ăn tiếng nói, cung cách ứng xử của họ. Họ nổi trội hơn hẳn tất cả các bạn trai. Ở một nước mà cơ khí đã thay thế cơ bắp, có đầy đủ phương tiện ngừa thai hiệu quả, người phụ nữ chẳng phải lo thua kém đàn ông. Phải chăng thuở nhỏ ở Pháp, tôi đã quá yếu đuối, ngoan ngoãn, nhút nhát nên không dám lay chuyển cái nếp truyền thống mà bà mẹ Việt Nam của tôi đã mang nặng và truyền lại, để phát triển đầy đủ về mọi mặt với tư cách một chủ thể nữ tính ?

Dấn thân chính trị tại Pháp trong thời kì chiến tranh

Rồi những chân lí, xác tín gia đình nhường chỗ cho áp lực của thế giới hiện thực. Cuộc chiến tranh Mĩ xâm lược Việt Nam đã bắt đầu ngay sau khi kí kết hiệp định Genève kết thúc cuộc chiến tranh với Pháp, tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam Bắc để dễ tập kết quân đội của hai bên. Sự can thiệp của Hoa Kì bắt đầu từ 1960. Lúc đó tôi bảy tuổi, nhìn màn ảnh TV thấy bom rơi trên đất nước của cha ông. Cuộc chiến tranh chống Mĩ  đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của mọi tổ chức tiến bộ chống lại bất công, xây dựng một thế giới không còn áp bức. Thanh niên tham gia đông đảo và tôi dấn thân tích cực. Trong phong trào đoàn kết chống chiến tranh ấy, tôi ý thức được rằng mỗi cá nhân, bất luận nguồn gốc xã hội, văn hoá hay giới tính, phải có chỗ đứng của mình trong thế giới. Tôi ý thức được là phải đạp đổ những sự thống trị, tôi hiểu ra rằng hạnh phúc phải được xây dựng trên nền tảng là tôn trọng người khác. Trong bối cảnh ấy, tôi dần dần hiểu ra rằng tôi còn phải đấu tranh để tự khẳng định mình như một phụ nữ. Năm 1966, tôi ghi tên vào hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp để hoạt động chống chiến tranh và ủng hộ đất nước. Đây là tổ chức gồm những người Việt Nam đa số từ miền Nam sang Pháp du học. Trong hội, chúng tôi đã lập ra một chi hội nói tiếng Pháp, tập hợp những người sinh đẻ hay lớn lên tại Pháp, không biết hoặc không thạo tiếng Việt. Chi hội này hoạt động rất năng nổ vì hội viên quen thuộc với hệ thống sở tại. Mặt khác, chúng tôi tổ chức học tập, tìm hiểu về đất nước Việt Nam, văn hoá, lịch sử Việt Nam và tiếng Việt. Trong ban chấp hành LHSVVNTP, nam giới chiếm đa số, nhưng bao giờ cũng cố gắng để có vài ba nữ uỷ viên. Những chị từ Việt Nam sang khá đông, nhưng thường kín đáo nếu không nói là khép mình. Còn đám nữ hội viên "francophone" chúng tôi, đối với mọi người, là cả một cái gì "khó hiểu". Phần tôi, thuộc loại "quần chúng tốt", sẵn sàng nhận công tác, luôn luôn tươi cười vui vẻ. Tôi không khiêu khích nhưng cũng không giữ kẽ, nói to, thẳng thừng bảo vệ ý kiến của mình. Đồng thời, tính tôi không đỏm dáng hay uốn éo, song tôi cố gắng vượt qua bản tính nhút nhát cố hữu của mình. Tôi thường nghe người ta bình luận về tôi, nói tác phong của tôi không đúng với hình ảnh truyền thống của phụ nữ Việt Nam, và tôi chỉ cười, trả lời tôi 100% là người Việt Nam. Bị vướng víu bởi cái nữ tính cồng kềnh từ lúc sinh ra đời, cuối cùng tôi đã đi tới một giải pháp cá nhân khả dĩ cho phép tôi tham gia đời sống xã hội một cách tự tin hơn. Người bạn đời của tôi  chúng tôi gặp nhau trong hoạt động đoàn thể ─ đã chấp nhận không điều kiện quyết định dứt khoát mà tôi đã nói rõ : tôi không chịu mang cái gông cùm 4000 năm của người phụ nữ Việt Nam. Thật vậy, tôi chịu không thể nào đảm đương được công việc nhà cửa và gia đình sau một ngày làm việc vì tôi rất thiết tha với việc làm, một công việc chiếm phần lớn thời gian. Cả hai chúng tôi đều đã bắt đầu một học trình nhiều năm về sinh học và cùng chung một ý nguyện là trở về quê hương mà cả hai chúng tôi chưa hề biết. Kết hôn với nhau năm 1976, chúng tôi cũng đồng lòng đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử và vừa thống nhất sau hai mươi năm chia cắt. Để chuẩn bị việc hồi hương, chúng tôi đã về thăm mấy chuyến để tiếp xúc với những người trong ngành và để có một ý niệm cụ thể về môi trường làm việc. Trong khi chờ đợi ngày về nước, chúng tôi cố làm xong luận án và thực hiện những hợp đồng nghiên cứu. Chúng tôi đã quyết định không có con tại Pháp, vì hai lẽ. Trước hết, hoàn cảnh làm việc của tôi lúc đó ở Pháp không cho phép : là phụ nữ, muốn kiếm ra được hợp đồng nghiên cứu thì không thể mang bụng chửa được. Thứ nữa, chúng tôi không muốn con cái phải trải qua sự chuyển đổi môi trường một cách triệt để như vậy, điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho quá trình hội nhập của chúng tôi. Như thế là chúng tôi đã lao vào một cuộc phiêu lưu toàn diện, nhưng về phần tôi, tôi cảm thấy mình hoàn toàn "đồng điệu" với trang sử đang viết của dân tộc Việt Nam. Tôi vẫn chỉ có một quốc tịch từ ngày ra đời : Việt Nam. Trong suốt những năm ở Pháp, tôi là người ngoại quốc. Và từ tuổi 16 trở đi, tôi mang "thẻ cư trú" dành cho người nước ngoài, 3 năm một lần phải xin gia hạn. Nhưng yếu tố quan trọng nhất dẫn tới quyết định về nước của tôi không phải là quốc tịch, mà sự dấn thân chính trị 100% vào cuộc chiến tranh chống Mĩ.

Trở về quê cha đất tổ

Cuộc định cư của chúng tôi tại Việt Nam chia làm hai bước : chồng tôi về tháng chạp 1982, tôi tháng giêng 1986. Tình hình kinh tế hậu chiến lúc đó cực kì khó khăn. Việt Nam phải xây dựng trở lại trên quang cảnh hoang tàn mà bộ máy chiến tranh Hoa Kì đã gieo rắc bằng những cuộc oanh tạc với mục đích tuyên bố là đưa đất nước này trở về "thời kì đồ đá" [lời của đại tướng Curtis E. LeMay, tham mưu trưởng không quân Mĩ, chú thích của ND]. Thêm vào đó, năm 1979 Trung Quốc triển khai chính sách bành trướng bằng cách gây hấn ở biên giới Việt-Trung, đồng thời sử dụng chế độ diệt chủng Campuchia. Do đó, ngay từ ngày về nước, chúng tôi nếm mùi "tem phiếu" lương thực, "xếp hàng cả ngày ", cắt điện cắt nước mỗi ngày. Con gái chúng tôi sinh vào tháng chạp 1986, cũng nhờ bạn bè chúng tôi ở Hội người Việt Nam tại Pháp gửi sữa bột về giúp suốt một năm trời. Ngoài ra, ở cơ quan tôi, giám đốc là người cởi mở, tận tình, ủng hộ những sáng kiến của tôi và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi làm việc. Tại Viện vệ sinh dịch tễ, 80 % nhân viên là phụ nữ. Tỉ lệ phụ nữ cao như vậy là thành quả của lịch sử hiện đại : hai cuộc kháng chiến chống thực dân và chống đế quốc, từ 1945 đến 1975, đã thúc đẩy tiến trình của phụ nữ tới mức khó ai ngờ nổi. Bác Hồ hiểu rất rõ rằng kháng chiến muốn thành công thì người phụ nữ phải được giải phóng. Là một nửa dân số, lực lượng phụ nữ đã góp phần to lớn vào thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Phụ nữ đã đảm đương vai trò tích cực trên mọi mặt trận, trong chiến đấu cũng như trong sản xuất. Họ đã tập đọc, tập viết, tập bắn súng, tập lãnh đạo các hợp tác xã và xí nghiệp. Có thể nói phụ nữ đã tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc một cách toàn diện, hiệu quả và phấn khởi, và qua đó, khả năng của mỗi cá nhân đã được phát triển, nảy nở. Yêu cầu của cuộc kháng chiến và sự hưởng ứng của toàn xã hội đã tạo điều kiện cho biết bao phụ nữ thoát khỏi số phận mà chế độ phong kiến đã giam hãm họ. Mẹ tôi kể cho tôi nghe thời cụ tôi, thân phận của người con gái, người đàn bà là như thế nào trong một xã hội "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một nam là có, mười nữ cũng như không). Thực tế ấy con thể hiện rất rõ trong sự kì thị giữa "bên nội" (mà con trai là tiêu biểu) và "bên ngoại" (con gái là con "người") ; người con gái đi lấy chồng phải sống ở nhà chồng, đẻ con trai để nối dõi tông đường hay phải chịu để chồng lấy vợ lẽ. Thuở bé, tôi vẫn còn được giảng thế nào là "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Khởi đi từ hoàn cảnh xã hội và gia đình như vậy, người phụ nữ đã nhanh chóng trở thành những cá nhân trưởng thành, tạo nên một sức mạnh vô biên trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Tuy nhiên, sau ngày chiến tranh chấm dứt, cái kỉ cương truyền thống đã bị lung lay mạnh mẽ nay có phần lập lại, khi người phụ nữ trở lại vị trí trong gia đình, và người đàn ông chính thức nắm lại hầu như mọi quyền hành trong xã hội. Song cũng phải nói, trong gia đình, người phụ nữ vẫn thực sự là "maîtres" (ông chủ / tôi không muốn dùng chữ "maîtresses" vì trong tiếng Pháp, ngoài nghĩa bà chủcô giáo, nó còn có nghĩa là... tình nhân). Người phụ nữ vừa làm việc ở ngoài xã hội, vừa chăm lo việc giáo dục con cái, quản lí nền kinh tế gia đình. Họ đảm đương công việc ấy với tất cả sự năng động và hiệu quả thật đáng khâm phục -- có thể nói : không ai thay thế nổi. Cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày, đàn ông trông thật nhạt nhoà, nếu không nói là nhạt nhẽo, "đáng chán" vô cùng. Tất nhiên, họ có trong tay quyền bính xã hội và có thể dành trọn thời gian cho nghiệp vụ và giải trí, chơi bời. Một cảnh tượng "thường ngày ở huyện" là đàn ông tụ tập ở quán bia, chè chén và chuyện trò với đồng nghiệp và bạn bè. Tại những hàng quán này, hầu như không thấy phụ nữ ; các ông tới đây để "liên hệ", để giải quyết những vấn đề trong công tác hay... tư tác gì đó. Ngày nay ở Việt Nam, việc giáo dục con cái, mọi thứ "việc nhà" cũng như việc quản lí kinh tế gia đình, chủ yếu vẫn do người phụ nữ đảm nhiệm. Cá nhân tôi nhìn vấn đề này tới mức gần như một bức tranh biếm hoạ : đàn ông Việt Nam "sợ vợ". Trong tiếng Pháp, người "mặc quần culotte" là người nắm quyền quyết định trong một cặp vợ chồng : trong một gia đình Việt Nam, người "mặc quần culotte" không phải là đấng ông chồng. Thật thế, người đàn ông Việt Nam thường rất vụng về trong việc nhà, lúng ta lúng túng mỗi khi phải giải quyết một vấn đề gì đặt ra trong cuộc sống gia đình. Từ thuở lọt lòng mẹ, chàng đã được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" để làm tròn sứ mạng (duy nhất) là "nối dõi tông đường", còn bao nhiêu công việc khác, đã có mẹ, có chị, có em lo hết. Ở nhà, cậu con trai có đầy đủ thời gian để làm những gì mình thích. Nhiêm vụ duy nhất của cậu là thành đạt trong xã hội để mang lại danh giá cho gia đình. Ngược lại, vai trò của người vợ, ngoài việc mưu sinh cho gia đình, là "đa năng" nên có óc thực tế, tháo vát và biết "mở rộng quan hệ". Nhờ những đức tính này, nhiều khi ông chồng "hậu đậu", chính bà vợ phải giúp chồng giải quyết cả những vấn đề trong nghề nghiệp của chàng. Tiếng Việt có chữ "nội tướng" là thế.

Hội nhập xã hội Việt Nam như một phụ nữ

Sinh trưởng trong một môi trường Tây phương nên tôi chỉ có thể phẫn nộ trước hoàn cảnh đó, một sự phẫn nộ, "nổi loạn" câm lặng, đào sâu chôn chặt, bởi làm thế nào "đánh" lại được truyền thống ? Một mặt, so với phụ nữ ở một số nước châu Phi ngay từ bé đã bị xúc phạm thân thể bằng lưỡi dao oan nghiệt, hay phụ nữ trong một số nước bị tập tục tôn giáo giam kín trong gia đình, thì vị trí của người phụ nữ ở Việt Nam rất đáng được mong muốn. Như đã nói ở trên, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã đảo lộn kỉ cương của truyền thống. Đối với riêng tôi, quá trình dấn thân chính trị đi đôi với quá trình hình thành người phụ nữ là tôi hiện nay, lại có đủ bằng cấp để bước vào con đường nghiên cứu sinh học, thêm một năm thực tập ở Hoa Kì, và như thế, năm 1986, nghĩa là cách đây 17 năm, tôi đã bắt đầu cuộc sống phụ nữ ở Việt Nam. Đó là cả một đoạn đường dài dặc, trải qua nhiều thử thách, mò mẫm để đi tới hiểu được môi trường xung quanh và tìm ra được "thế" cân bằng ổn định. Ban đầu, mỗi lần đi ra ngoài phố là tôi trở thành "đối tượng" sự chú mục của khách qua đường với dáng điệu "tự tin" và nhịp bước "đi như ăn cướp" mà tôi mang về nước từ nếp sống của xã hội công nghiệp. Người nào gặp tôi cũng nhìn chằm chằm, vì cung cách, điệu bộ, cho đến "con mắt" của tôi đều rất... "lạ". Và mỗi lần tôi mở miệng, nói một câu tiếng Việt ngập ngừng, không thưa gửi, không phép tắc, là người ta hỏi, hỏi hết câu này đến câu khác. Đó là thời mà Việt Nam sống khép kín, hầu như không có trao đổi với thế giới bên ngoài. Do chính sách cấm vận của Mĩ (mãi đến năm 1994 mới chấm dứt), phải đến thập niên 90, Việt Nam mới bắt đầu, từng bước, mở cửa. Trong một thời gian dài, dân chúng sống một cách đồng đều, đơn điệu như hàng hoá, áo quần thời đó. Công việc ở cơ quan và công việc ở nhà chiếm trọn thời giờ của tôi. Vì ngôn ngữ bất đồng, vì mọi sự đối với tôi đều rất khó hiểu, phải nói là tôi rất khó giao dịch, "giao lưu". Tỉ như hai thế giới xa lạ gặp nhau, quan sát nhau, sợ "làm đau" nhau. Phải mất 10 năm tôi mới xây dựng được những mối quan hệ thân hữu. Ở Việt Nam, người ta giúp đỡ nhau, nhưng chủ yếu trên cơ sở quan hệ gia đình thân thuộc (hiểu theo nghĩa rộng). Chúng tôi từ Pháp về, không quen cuộc sống trong nước, muốn hội nhập vào xã hội, chúng tôi phải dựa vào những người không phải là họ hàng thân thuộc, mà điều này chưa thành tập quán ở Việt Nam. Dần dần, đối với những người tin cậy, chúng tôi đã tạo dựng được mối quan hệ gần như người nhà. Để tránh gây "sốc" cho người xung quanh, tôi tránh phản ứng trước những nếp sống của trong nước, ít nói tới chuyện riêng, tránh áp đặt quan niệm của riêng mình về cách nuôi dạy con cái... Ngày nay, có thể nói hai thế giới đã bắt đầu hoà nhập với nhau, vì không những tiếp xúc với người nước ngoài đã trở thành phổ biến, mà nhiều gia đình còn gửi con đi du học ở nước ngoài (thường là du học tự túc). Một điều chắc chắn là trong những năm ấy, tôi đã được làm quen với những người, với những đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi một cách hết sức tận tuỵ, điều ít thấy trong những xã hội công nghiệp. Giữa họ và chúng tôi, mối quan hệ đã trở thành bền vững với thời gian.
Còn tôi ra sao ? Một chị bạn sống ở Pháp, lần đầu tiên về thăm quê mẹ, một hôm đã đến thăm tôi, sau 26 năm xa cách. Trong câu chuyện hàn huyên, chị ngạc nhiên kêu lên : "Mày trở thành sexiste (giới tính chủ nghĩa) như thế à !". Chị bạn buồn rầu hay trách móc, tôi cũng không biết. Sau một lúc do dự, tôi chỉ biết trả lời : "Môi trường sống đã làm tao trở nên như thế đấy". Chúng tôi gặp nhau khi tôi sống ở trong nước đã được 15 năm. Tôi bị giam hãm trong thân phận phụ nữ mà không hề có cách gì đối thoại với nam giới cũng như nữ giới. Không hiểu nhau, ngộ nhận, thắc mắc không được giải đáp trở thành "quy luật" chi phối quan hệ của tôi với phái "kia". Ở Pháp, tôi có nhiều bạn trai và điều đó đối với tôi đó là chuyện bình thường. Còn ở Việt Nam, đàn ông và đàn bà là hai thế giới tách biệt nhau, chỉ gặp nhau trong khuôn khổ kết hôn, mà ngay trong quan hệ vợ chồng, sự trao đổi cũng hết sức hạn chế. Trong quan hệ của tôi với phái nam ở trong nước, tình cờ tôi được một vị đã chủ động "đặt dấu chấm trên chữ i" cho tôi hiểu. Hôm đó chúng tôi bàn công việc, đến giờ ăn trưa, tôi đề nghị cùng đi ăn trưa. Anh ta trả lời ngay là có hẹn đi uống bia với bạn và trong những cuộc ăn uống như vậy, họ không muốn phụ nữ có mặt. Khỏi cần nói là không bao giờ tôi gặp lại anh ta nữa. Bởi vì gặp lại chỉ tổ gây ra hiểu lầm khó chịu. Những trường hợp quan hệ "suôn sẻ" nhất, là gặp nam giới trong khung cảnh gia đình của họ. Trong những cuộc gặp gỡ như vậy, người vợ rất nhanh chóng thấy rõ tôi không phải là "tình địch" vì hiển nhiên là tôi hoàn toàn không biết "săn sóc" đức ông chồng của họ, một điều kiện "không có không được" đối với quý ông. Thật vậy, ở Việt Nam, người phụ nữ vẫn phải chăm lo cho ông chồng không khác gì chăm lo cho một đứa con trai. Con trai được bà mẹ chăm bẵm cho đến ngày lấy vợ, trong khi con gái chưa lớn lên đã phải đảm đương nhiều trách nhiệm và giúp đỡ mẹ trong việc nhà. Thành ra sự phân biệt chênh lệch nam nữ trong xã hội đã bắt đầu rất sớm. Tới bữa ăn, trong các buổi tiệc tùng, giỗ tết, nhất là ở nông thôn, nam nữ ngồi riêng. Trong các cuộc họp mặt đông người, người cùng giới tính "tự nhiên" ngồi chung với nhau, những cử chỉ thân mật rất phổ biến và được chấp nhận (không bị coi là biểu hiện "đồng tính" như trong những xã hội khác, chú thích của người dịch).
Mẹ tôi đã lớn lên trong khuôn khổ ấy, và tới tuổi hai mươi, mẹ tôi đã sang Pháp cùng với anh tôi, lúc đó mới lên hai. Năm 1981, mẹ tôi hồi hương. Được đào tạo chặt chẽ trong nếp sống cổ truyền ấy, song ở Pháp bà không thể "truyền" lại cái nền nếp ấy cho tôi. Song cũng chính qua mẹ mà tôi nghe thấy tiếng gọi của tổ quốc. Thành thử, ngày nay, đối với mẹ tôi, tôi trở thành đối tượng của hai lần từ khước : từ khước một đứa con đẻ ra là con gái, từ khước nó không trở thành một người phụ nữ theo đúng truyền thống Việt Nam.
Để kết luận, tôi muốn nói rằng ngày nay tôi cảm thấy đã hội nhập thành công. Tôi đảm nhận sự khác biệt, và môi trường xung quanh cũng thừa nhận sự khác biệt ấy. Tôi đã đương đầu được trước sự "công hãm" của một môi trường đã trải qua những hoàn cảnh kinh tế khắc nghiệt và hiện đang phát triển với vận tốc chóng mặt. Các dữ kiện của cuộc sống ngày nay khác hẳn những dữ kiện cách đây không đầy mười năm. Tôi đã tạo được một chỗ đứng "giao diện" giữa hai nền văn hoá. Tôi là(m) phụ nữ và là(m) người Việt Nam, hai cuộc vật lộn sóng gió. Từ đó, tôi ngẫm ra điều này :
Chúng ta sống trong một thế giới trong đó quyền lực nằm trong tay nam giới. Quyền lực -- quyền lực gì cũng thế -- đi đôi với quyền uy và thường dẫn tới lạm quyền. Do đó, quyền không thể chia sẻ, chia sẻ thì mất quyền. Nó tiếp tục duy trì trên "lưng" người phải chịu đựng nó. Chính vì thế mà thường dẫn tới tình huống : duy trì quyền lực bằng bạo lực, ngăn chận mọi sự đối kháng. Phải làm sao để người bị trị không phát triển quá nhiều trí tuệ, quá nhiều suy nghĩ, quá nhiều tinh thần phê phán (thuần hoá gia súc dễ hơn là thuần hoá những con người có đầu óc). Tuy nhiên, sự tiến hoá của xã hội loài người đã dẫn tới thiết lập một chế độ pháp quyền, trong đó mọi người đều phải tuân thủ pháp luật. Nước nào phát triển thì dễ làm cho pháp luật được tôn trọng hơn nhờ bộ máy hành pháp tốn kém, có thể vận hành một cách tương đối không thiên vị để phục vụ nền dân chủ. Do đó, nhờ sức ép của quần chúng, những đạo luật đã được ban hành để bảo vệ phụ nữ trước nạn kì thị giới tính. Còn Việt Nam chưa phải là nước phát triển, và truyền thống thường còn đè nặng hơn cả luật pháp. Nói chung, phụ nữ sinh trưởng trong nước tự nhiên được nhào nặn theo truyền thống hiện tồn. Nếu họ tuân thủ truyền thống (đa số là như thế) thì không có sự thắc mắc, không có sự đặt lại vấn đề. Đó là tình trạng phụ nữ ở các nước như Việt Nam, như châu Phi, Algérie, Afghanistan hay Nhật Bản, đó là chỉ nói tới những nước mà các tạp chí Pháp thường nói tới, mỗi lần đọc là tôi phải sửng sốt. Bây giờ sống ở Việt Nam tôi mới hiểu là những ý tưởng truyền thống đã bắt rễ rộng khắp như thế nào, kể cả trong tôi. Lịch sử đã tạo ra hoàn cảnh ấy, biến những ý tưởng ấy thành chân lí cá nhân. Người ta thoả mãn với chúng, vì chúng là yếu tố cấu thành sự quân bình của mỗi người. Vấn đề tôn trọng đặt ra ở đó : làm cho người khác phải tôn trọng tôi, và tôn trọng người khác. Sự thay đổi chỉ có thể diễn ra một cách tiệm tiến trên cơ sở phát triển xã hội, giao lưu với các nền văn hoá khác và đối thoại với đa số bất mãn. Không thể áp đặt nó từ bên ngoài. Truyền thống đã nằm ngay trong cấu trúc của mỗi cá nhân, bất luận nam hay nữ. Nó đặt mỗi người vào chỗ đứng của mình, theo đúng những chuẩn tắc phù hợp với toàn bộ nhóm xã hội. Ở thời điểm hiện tại, phụ nữ Việt Nam là người chuyển giao truyền thống : con trai có đủ mọi quyền hành và sẽ được đào luyện để cầm quyền ; con gái được dạy bảo để phục vụ quyền lực đó. Vì thế mà ngay từ nhỏ, người chị hay người em gái có nhiều trách nhiệm trong nhà trong khi em/anh trai sẽ phát triển cá nhân mình, thoải mái và vô tư vui chơi. Cậu ta được đào luyện để nghĩ tới bản thân mình, tới nghề nghiệp của mình vì biết rằng mình sẽ là người cầm quyền trong xã hội. Hiện tại Việt Nam không thể khác. Tình trạng ấy sẽ chỉ thay đổi khi có nhiều giao lưu hơn nữa với bên ngoài, khi mức sống kinh tế được nâng cao hơn, để những cặp vợ chồng trẻ có thể ra khỏi mái nhà của cha mẹ (chồng), để có được một mạng lưới nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường phổ thông thuận lợi cho sự quân bình của trẻ em.

Lê Thị Kim Tuyến

(bản dịch của Kiến Văn)
(1) Chú thích của người dịch : trong tiếng Pháp, đại từ ngôi thứ ba phân biệt "giống đực"/"giống cái". Số ít : il (nam) / elle (nữ). Số nhiều : ils / elles. Nhưng khi ngôi thứ ba chỉ nhiều người, trong đó dù chỉ có 1 nam và 10 nữ, thì tiếng Pháp vẫn dùng đại từ giống đực ils, y hệt truyền thống phong kiến Đông Á : nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét